QUÂN BÌNH THỦY-HỎA – HUYỀN KHÔNG PHI TINH
1. TỪ TIÊN THIÊN TỚI HẬU THIÊN BÁT QUÁI
Biết rằng vũ trụ lúc ban đầu chỉ là 1 khoảng trống vô hình, đến khi có Trời-Đất xuất hiện rồi mới hình thành mọi hiện tượng như ngày, đêm, sấm chớp, gió mưa mà tạo nên đồi núi, sông, hồ… Cho nên Tiên thiên Bát quái do Phục Hy đặt ra mới xếp quẻ CÀN (Trời) ở phía trên, quẻ KHÔN (Đất) ở phía dưới, ngụ ý lấy Trời-Đất là chủ tể của vũ trụ, rồi bên trên mới phát sinh ra gió (TỐN) và mưa (ĐOÀI), bên dưới xuất hiện sấm (CHẤN) và núi (CẤN).
Mặt trời mọc ở phía ĐÔNG nên xếp quẻ LY (Hỏa) ở đó, còn thủy nguồn từ phía TÂY chảy đến, nên là phương vị của quẻ KHẢM. Chính vì vậy nên Tiên thiên Bát quái còn được coi là quy luật vận hành và biến chuyển của vũ trụ, với Trời-Đất đứng giữa theo thứ tự trên, dưới mà phát sinh cũng như điều hành mọi sự.
Sau khi Trời-Đất đã hình thành, gió, mưa, sấm chớp, núi non, nước, lửa đều đã có thì lại xảy ra sự tương tác giữa 2 thế lực đối nghịch Thủy-Hỏa mà làm nảy sinh ra sự sống. Tuy rằng từ trong Thủy thì sự sống đã phôi phai hình thành, nhưng phải nhờ sức ấm của Hỏa thì sự sống mới có thể được duy trì, tồn tại và phát triển. Chính vì vậy mà Văn Vương nhà Chu (khoảng hơn 1,000 năm B.C) khi đặt ra Hậu thiên Bát quái mới xếp 2 quẻ KHẢM (Thủy) – Ly (Hỏa) vào thay thế vị trí của CÀN-KHÔN để điều khiển Ngũ hành mà làm nảy sinh cũng như duy trì sự sống trên trái đất theo 1 quy luật tương sinh theo chiều thuận (tức chiều kim đồng hồ) là Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim rồi Kim sinh Thủy là trở lại từ đầu. Tức là từ Thủy mới có thể phát sinh ra vạn vật, rồi nhờ sức Hỏa mà giúp cho vạn vật được tăng trưởng mạnh mẽ. Cho nên mới nói “Thủy là nguồn của vạn vật, Hỏa là cha của vạn vật”. Nếu không có Thủy thì sự sống không thể phát sinh, không có Hỏa thì sự sống không thể hình thành. Và sự tương tác giữa Thủy-Hỏa chính là đầu mối phát sinh và phát triển của vạn vật cũng như sự sống trên trái đất.
Sự ra đời của Hậu thiên Bát quái là 1 bước tiến quan trọng và vượt bực của nền văn minh và khoa học Đông phương. Đi cùng với Tiên thiên Bát quái, nó đã tóm gọn tất cả một giai đoạn biến hóa, hình thành của vũ trụ từ vô hình cho đến lúc sự sống được hình thành và hiện hữu trên mặt đất. Nếu nói Tiên thiên là quy luật biến hóa của Trời-Đất thì Hậu thiên chính là quy luật biến hóa của sự sống. Nếu trong vũ trụ lấy Trời (CÀN)-Đất (KHÔN) làm chủ, thì trong sự sống phải lấy Thủy-Hỏa đứng đầu. Đây là 1 yếu tố cực kỳ quan trọng, là nền tảng cho nhiều ngành triết lý và khoa học Đông phương, kể cả Đông y và Phong thủy.
2. SỰ QUÂN BÌNH THỦY-HỎA
Tuy rằng Thủy-Hỏa là nguồn phát sinh và nuôi duỡng vạn vật, nhưng chúng không thể tách rời, hay tự tạo 1 mình, mà luôn luôn phải có sự điều hòa, phối hợp giữa 2 yếu tố này. Nếu chỉ có Thủy mà không có Hỏa thì trái đất sẽ hàn lạnh đến cực độ, nên sự sống dù có phát sinh cũng không thể thành hình. Nếu chỉ có Hỏa mà không có Thủy thì cực khô, nóng, vạn vật sẽ bị thiêu hủy hoặc không thể nảy sinh. Cho nên điều kiện đầu tiên để có sự sống là Thủy-Hỏa phải đối đãi, tương tác với nhau. Nói “đối đãi” tức là chúng phải nằm ở những khu vực đối nghịch và tách rời nhau, nhưng không phải để đối chọi, mà là để tương ứng và quân bình nhau. Chính vì vậy nên trong Hậu thiên Bát quái mới xếp quẻ LY ở NAM, quẻ KHẢM ở BẮC, LY thế chỗ của quẻ CÀN (trong Tiên thiên Bát quái) nên đứng ở trên, KHẢM thay chỗ của KHÔN mà nằm phía dưới. Tuy mới thoạt nhìn thì chỉ thấy đó là thế đối nghịch, nhưng nếu xét kỹ thì KHẢM (1) và LY (9) xuyên qua Thiên tâm mà tạo ra tình huống âm-dương, Phu-Phụ “Hợp thập” với nhau. Tức là phải thông qua hình thức xung đối mới có thể tương tác và quân bình cho nhau mà tạo dựng cũng như duy trì và phát triển sự sống. Cũng vì vậy nên chẳng những Thủy-Hỏa không thể tách rời, mà còn phải tương xứng và quân bình cho nhau nữa, như 1 LY đối với 1 KHẢM trong Hậu thiên Bát quái, tức 1 âm-1 dương, 1 vợ-1 chồng mới có thể tạo dựng và nuôi dưỡng được con cái. Một vấn đề quan trọng khác là giữa Thủy-Hỏa phải có sự quân bằng, chứ không được chênh lệch, có như vậy mới bảo đảm cho sự sống được hài hòa, mọi sinh vật tươi tốt, lớn mạnh không ngừng. Nếu chẳng may có sự chênh lệch thì trong sự sống sẽ xuất hiện nhiều biến động. Nếu Thủy nhiều tất Hỏa sẽ yếu, khiến cho âm khí, hàn lạnh sẽ làm chủ vạn vật, nên sự sống dù có được hình thành cũng khó mà tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu Hỏa nhiều thì Thủy sẽ suy kiệt, sự sống dù có nhưng bị nhiệt Hỏa bức bách nên cũng khó lòng mà được yên ổn, lâu dài. Chẳng những thế mà nếu Thủy quá mạnh thì sẽ dập tắt Hỏa, nếu Hỏa quá mạnh thì sẽ làm khô cạn Thủy nên đều là những nguyên nhân đưa tới sự hủy diệt.
Cho nên sự cân bằng Thủy-Hỏa là 1 vấn đề quan trọng, là mấu chốt trong quá trình sinh thái của vạn vật, là nguồn gốc bảo vệ và duy trì sức khỏe cũng như hạnh phúc của con người. Chính nhờ những phát kiến và nguyên lý về Thủy-Hỏa của Hậu thiên Bát quái mà Đông y từ nghìn xưa đã biết thận (thuộc Thủy) là nội tạng đầu tiên xuất hiện trong cơ thể con người, hoặc những bệnh về tim (thuộc Hỏa) là căn do bởi thận, cho nên muốn chữa dứt bệnh tim thì phải lo chữa thận. Hoặc căn nguyên những bệnh về gan (Mộc), Phế (Kim), dạ dày (Thổ)… cũng đều từ thận hay tim mà ra… tức là căn do của bệnh tật, nguồn gốc của tử, sinh cũng đều do sự tương tác và cân bằng Thủy-Hỏa mà thôi.
3. NGUYÊN LÝ CÂN BẰNG THỦY HỎA TRONG PHONG THỦY NHÀ Ở
Nguyên lý cân bằng thủy – hỏa trong phong thủy nhà ở là nguyên tắc sắp xếp, bố trí làm sao để khí thủy và khí hỏa đạt trạng thái cân bằng.
Trong đó:
- Thủy là nguồn sống của vạn vật, nên đối với con người chính là của cải, lương thực (Vì vậy mới có câu Thủy quản tài).
- Hỏa là nguồn tăng trưởng và phát triển của vạn vật.
Hơn nữa, nắm được những nguyên lý của cân bằng Thủy-Hỏa thì mọi thứ trong thuyết phong thủy nói chung hay phong thủy nhà ở nói riêng sẽ được làm sáng tỏ.
Trong phong thủy nhà ở thì:
- Cửa thì cổng, cửa ra vào, đường phố, ao hồ chung quanh nhà, buồng tắm trong nhà… đều thuộc Thủy.
- Còn bếp, cửa sổ, những vật dụng tiêu thụ điện, lửa… đều thuộc Hỏa (sở dĩ cửa sổ thuộc Hỏa là vì chỉ dùng để lấy ánh sáng, chứ không phải là lối ra, vào.
Chính vì vậy mà việc cân bằng được Thủy – Hỏa trong phong thủy nhà ở nói chung hay phong thủy phòng bếp nói riêng là điều quan trọng nhất.
Theo Phái Phong thủy Mật tông nếu cửa sổ để dơ bẩn thì người trong nhà dễ bị bệnh về mắt, vì trong phong thủy thì cửa sổ là mắt và thuộc Hỏa.
Ví dụ: Nếu nhà ở chỉ có 1 cửa ra vào, không hề có cửa sổ. Thì căn nhà đó sẽ tối tăm cho dù có của cải nhưng sức khỏe chắc chắn yếu kém, cuộc sống âm u, tẻ lạnh vì thiếu cửa sổ (Hỏa) hay “Mất cân bằng Thủy – Hỏa“.
Vì vậy nên nhà ở cần mở cửa sổ để lấy ánh sáng chiếu vào, để cân bằng Cửa (thủy) và Cửa sổ (hỏa). Tuy nhiên việc lấy ánh sáng từ cửa sổ chỉ cung cấp 1 nguồn Hỏa gián tiếp, nên dù có nhiều cũng chưa chắc đã lấy lại được thế cân bằng Thủy-Hỏa, nhất là nếu chung quanh nhà lại có đường đi, ao, hồ, hoặc buồng tắm, bể nước…ở bên trong nhà.
Số lượng cửa sổ và cửa ra vào phải tương ứng như sau: cứ 1 cửa ra vào thì tối đa là 3 cửa sổ. Bản chất là để tạo nên sự cân bằng giữa Thủy (cửa ra vào) và Hỏa (cửa sổ). Nếu nhà quá nhiều cửa sổ thì người trong nhà hiếu động hoặc bướng bỉnh, hung hãn (vì Hỏa quá nhiều)…).
Nói tóm lại: Nguyên lý cân bằng Thủy-Hỏa là nền tảng của sự sống và phát triển. Đặc biệt ứng dụng trong phong thủy phòng bếp. Hiểu được thế nào là phòng bếp hợp phong thủy? Cách đặt bếp theo phong thủy, phương pháp đặt bếp để hóa giải thế nhà xấu cho từng trường hợp, cũng như nhiều nguyên lý Phong thủy khác.
4. PHONG THỦY PHÒNG BẾP
4.1. THẾ NÀO LÀ PHÒNG BẾP HỢP PHONG THỦY
Phòng bếp hợp phong thủy phải là phòng bếp tạo được sự cân bằng Thủy-Hỏa trong nhà. Hay nói cách khác là dùng phòng bếp là nguồn dẫn Hỏa trực tiếp để đem lại thế quân bình Thủy-Hỏa ngay trong môi trường sống.
Theo thuyết phong thủy thì Hỏa là nguồn tăng trưởng và phát triển của vạn vật, mà phòng bếp thường là nơi Hỏa vượng nhất trong căn nhà, nên ảnh hưởng đầu tiên của phong thủy phòng bếp là tới vấn đề sức khỏe của mọi người sống trong căn nhà đó.
Do đó, để có Phòng bếp hợp phong thủy thì cần tính toán phong thủy phòng bếp sao cho làm tăng được sức ảnh hưởng của Hỏa, tạo được thế cân bằng Thủy-Hỏa trong nhà thì sức khỏe của mọi người trong nhà sẽ tốt, còn nếu không kiến tạo được sự cân bằng thì sẽ bị thế “Thủy vượng, Hỏa suy” hay ngược lại, khiến cho sức khỏe của mọi người trong nhà sẽ rất yếu kém.
4.2. CÁCH ĐẶT BẾP THEO PHONG THỦY
Để có được phòng bếp hợp phong thủy thì cách đặt bếp là quan trọng nhất. Bí quyết về cách đặt bếp hợp phong thủy là: Dùng bếp để tạo sự cân bằng Thủy-Hỏa trong nhà.
Lưu ý: Cách đặt bếp theo phong thủy nói chung hay phong thủy phòng bếp nói riêng thì vị trí đặt bếp là quan trọng nhất. Bởi vậy vẫn có câu “Nhất vị, nhị hướng”.
Theo thuyết phong thủy Huyền không thì phong thủy phòng bếp cũng quan trọng nhất “Vị trí bếp”, về “hướng bếp” không được coi trọng. Cụ thể là chỉ xét Sơn tinh, hướng tinh tại vị trí bếp, chứ không coi trọng hướng của bếp.
4.2.1. VỊ TRÍ ĐẶT BẾP HỢP PHONG THỦY
Theo Huyền Không thì nơi để bếp chủ về sức khỏe và nhân đinh. Bếp đặt vào cung có Sơn tinh là sinh, vượng khí, sẽ làm cho người nhà khỏe mạnh, con cái mau thành đạt.
Khi bếp được đặt ở vị trí sơn tinh là sinh khí hay vượng khí thì nhân đinh vượng. Nhân đinh vượng ở đây không có nghĩa là làm tăng thêm nhân số trong gia đình, mà có nghĩa là “Làm cho vợ chồng hòa thuận, con cái thông minh, ngoan hiền, mọi người trong nhà mạnh khỏe, thành đạt“.
Hai trường hợp cần đặc biệt lưu ý về vị trí đặt bếp như sau:
- Trường hợp thứ 1: Nhà có “Vượng thủy”, Bếp cần đặt ở vị trí mà Sơn tinh là Sinh khí, Vượng khí.
Ví dụ: Nhà có “Thủy cục” vượng, Bếp cần đặt ở vị trí mà Sơn tinh có Sinh khí, Vượng khí.
Nhà ở có cổng, cửa vừa lớn, vừa đắc sinh, vượng khí, mà chung quanh nhà lại có sông, hồ, biển lớn… cũng đắc sinh, vượng khí. Theo Huyền không phi tinh thì “Thủy cục” của nhà đó cực vượng. Lúc này, dù phong thủy phòng bếp có được tính toán, bố trí hoàn bị đến đâu đi nữa (như Bếp cách xa buồng tắm, bồn rửa chén, bể nước…, Bếp không đối diện cửa). Thì nhà đó vẫn sẽ bị vượng Thủy. Và mất sự cân bằng của Thủy-Hỏa. Khiến cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình không tốt.
Cho nên muốn lập lại được thế cân bằng Thủy-Hỏa cho căn nhà đó thì bếp cần phải được đặt tại những nơi có khí sinh, vượng của Sơn tinh, có như thế thì vượng Thủy của căn nhà mới được chế ngự, và Hỏa mới không còn bị Thủy lấn áp. Lý do là vì Sơn tinh (bất kể phi tinh là hành gì) 1 khi là sinh, vượng khí đều lấy Thổ (núi) làm đầu (cũng như Hướng tinh nếu là khí sinh, vượng cũng đều lấy Thủy làm trọng).
Một khi Thủy khí của căn nhà quá mạnh, Hỏa khí của bếp không địch nổi, gây tổn hại đến sức khỏe của các thành viên sống trong nhà đó. Vì vậy cần đặt bếp tại nơi có vượng khí của Sơn tinh, tức là mượn sức Thổ mà kềm chế Thủy. Lại còn lấy Hỏa (của bếp) sinh Thổ, khiến cho Thổ khí đã vượng lại còn được sinh, có như thế mới đủ sức chế ngự Thủy mà tái lập lại thế quân bình Thủy-Hỏa.
- Trường hợp 2: Nhà “Vượng sơn”, Bếp cần đặt ở vị trí mà hướng tinh là suy khí hay tử khí.
Với trường hợp nhà có cách cục “Vượng Sơn” thì thì đặt bếp ở vị trí có sơn tinh là suy khí hay tử khí nhưng có hướng tinh là sinh khí, vượng khí.
Một sai lầm vô cùng nguy hại trong phong thủy phòng bếp đó là khi: Nhà vượng sơn nhưng lại đặt Bếp ở những khu vực có Hướng tinh là sinh, vượng khí. Đây là 1 sai lầm tai hại vì đem bếp (Hỏa) vào đặt tại chỗ có vượng Thủy, khiến cho Thủy-Hỏa tương khắc mà làm hao tổn cả Tài-Đinh.
Chính vì vậy nên trong “Thẩm thị Huyền không học” mới nhắc nhở phải tránh đặt bếp nơi chỗ có vượng khí.
- Nếu nơi này có thêm bồn rửa chén hoặc bể nước… thì tài sẽ vượng nhưng đinh không vượng.
- Còn nếu bếp đạt được những điều kiện tiêu chuẩn như xa lánh thủy, hoặc bếp lớn, được xử dụng thường xuyên… thì nhà tuy đông người nhưng tài lộc suy sụp.
Vì vậy nên người xưa mới có câu:”Thủy là nguồn của Hỏa, Hỏa là chủ của Thủy” chính là vì Hỏa tuy bị Thủy khắc, nhưng có thể sinh ra Thổ mà chế ngự Thủy vậy.
- Những nhà đã có Thủy khí cực mạnh mà vẫn tạo được sự cân bằng Thủy-Hỏa là những nhà đại phúc lộc, tài lộc, nhân đinh đều sẽ cực vượng.
- Ngược lại, nếu không có sự cân bằng đó thì Thủy sẽ áp chế Hỏa, khiến cho nhà đó tuy giàu có nhưng thường hay bị rơi vào tình trạng cô đơn hay tuyệt tự.
Cho nên bếp đặt tại khu vực có vượng khí của Hướng tinh thì hoặc là làm cho Thủy-Hỏa xung khắc, hoặc là làm cho Thủy-Hỏa mất quân bằng nên đều là vấn đề tai hại và cần phải tránh.
Ngoài ra, cũng cần tránh đặt bếp tại những vị trí sau:
- Bếp nằm gần, hay đối diện với cửa ra vào: Vì dễ làm cho tài lộc (và nhiều khi cả nhân đinh) suy bại. Tuy rằng đôi khi những vị trí này cũng có thể làm vượng nhân đinh, nhưng những trường hợp đó không nhiều. Nếu không thể nhất định phải có bình phong.
- Bếp nằm gần, hay đối diện với cửa phòng ngủ: Dễ làm cho người ngủ trong phòng tính tình nóng nảy, hay cáu giận, khó ngủ, nhiều khi còn bị hao tán tiền của, hoặc phát sinh ra nhiều bệnh tật (tùy theo phi tinh đến cửa phòng là sao gì).
- Bếp nằm gần, hay đối diện, hoặc chung vách với bàn thờ: (nhất là bàn thờ ông bà, tổ tiên) thì con cháu trong nhà dễ mắc nhiều bệnh tật, tai họa.
- Bếp nằm ngay tại trung tâm điểm của căn nhà: Sẽ làm suy bại cả nhân đinh lẫn tài lộc.
- Bếp nằm tại khu vực có Sơn tinh Ngũ Hoàng: Thì con cái thường yểu, hư hỏng, hỗn láo, bất hiếu (trừ khi Ngũ Hoàng là vượng khí của Sơn tinh thì không kể – chỉ ở vận 5).
- Bếp nằm tại khu vực có Sơn tinh Nhị Hắc: Nhà dễ có quả phụ (đàn bà góa chồng), trừ khi thế cục của căn nhà đã có hóa giải thì mới thoát khỏi, hoặc Sơn tinh Nhị Hắc là vượng khí thì lại làm vượng nhân đinh.
- Bếp nằm tại những khu vực khác: Như có Hướng tinh số 9 (Cửu tử), hoặc có những cặp số 7 – 9, 9 – 7, 2 – 7, 7 – 2 thì không những là làm cho người trong nhà dễ nóng nảy, xung đột, hay bị đau tim, cao máu, mà còn làm hao tán tài lộc lớn, cũng như dễ gây ra hỏa hoạn (trừ khi 1 trong những số đó là vượng khí của Sơn tinh thì lại làm vượng nhân đinh, nên sẽ không bị những tai họa đó).
Vì vậy, 1 khi bếp đã được đặt ở vị trí tốt thì ngoài vấn đề tránh nằm sát vách với phòng tắm, hay gần (hoặc đối diện) với cửa phòng tắm, bếp cũng cần tránh nằm gần, hay đối diện với bồn rửa, cầu thang, hoặc nằm bên dưới cầu thang. Đó đều là những thiết kế xấu mà khiến cho nhân đinh trong nhà bị suy bại.
4.2.2. HƯỚNG BẾP HỢP PHONG THỦY
Hướng bếp là chủ về tài lộc. Nếu hướng bếp (phía lưng người nấu) có hướng tinh là sinh, vượng khí thì rất tốt cho tài lộc.
Hướng bếp tốt khi đặt bếp có hướng tinh là:
- Nhất bạch (số 1 – Thủy): Được “Thủy hỏa ký tế” nên là bếp tốt.
- Tam bích, tứ lục Mộc (số 3, 4 – Mộc): Mộc sinh hỏa nên cũng là bếp tốt.
- Bát bạch (số 8 – Thổ): Hỏa sinh Thổ (bát bạch là cát tinh) nên là bếp tốt vừa.
Hướng bếp xấu khi đặt bếp có hướng tinh là:
- Nhị hắc, Ngũ hoàng (số 2, 5 – Thổ): Cũng hỏa sinh thổ nhưng nhị hắc và ngũ hoàng là hung tinh nên là bếp xấu.
- Lục bạch, thất xích (số 6, 7 – Kim): Hỏa khắc Kim nên là bếp xấu
- Cửu tử (số 9 – Hỏa): Tuy là tị hòa nhưng vài trường hợp hỏa gặp hỏa –> Quá vượng thì không những là làm cho người trong nhà dễ nóng nảy, xung đột, hay bị đau tim, cao máu, mà còn làm hao tán tài lộc lớn, cũng như dễ gây ra hỏa hoạn. Vì vậy là bếp xấu.
- Bếp ở vị trí có sơn hướng tinh kết hợp thành hỏa hậu thiên hay hỏa tiên thiên (2-7); (7-2); (7-9); (9-7)
Tuy nhiên, trong phong thủy nhà ở quan trọng nhất tạo sự cân bằng cân bằng Thủy-Hỏa. Vì vậy trước khi đặt bếp cần kiểm tra tổng thể phong thủy căn nhà đó xem mức độ cân bằng Thủy-Hỏa như thế nào để có cách đặt bếp hợp phong thủy nhất.
Về cầu thang và lối đi chiếu vào bếp thì lại cần coi tinh bàn như thế nào.
Đặt tinh bàn của nhà vào tâm của bếp.
- Nếu hướng cầu thang hay lối đi chiếu vào có sinh, vượng khí của hướng tinh thì được coi là tốt.
- Còn ngược lại nếu là suy tử khí của hướng tinh thì được coi là xấu.
Phong Thủy Liên Hoa tổng hợp và biên soạn